Những suy nghĩ của người con Việt tại Nga về lễ Vu Lan rằm tháng 7
Từ những quầy hàng khai sinh của người Việt
Cộng đồng người Việt tại Nga hiện nay khá đông, bao gồm nhiều thành phần. Họ sống và làm việc, học tập tại Liên bang Nga đã hàng mấy chục năm nay.
Ban đầu, từ những năm 1950, 60… là những lưu học sinh, nghiên cứu sinh. Đầu những năm 80 là hàng vạn thanh niên nam nữ sang học nghề, hợp tác lao động. Đến thời kì những năm 90 lại thêm số người sang du lịch rồi ở lại.
Nhưng đông nhất là những người đi theo diện hợp tác lao động. Thời kì những năm 90 khi Liên Xô tan rã, một số nhà máy không kham được nên giải thể và số đông anh chị em lao động cũng do nhiều lí do mà ở lại làm ăn sinh sống hoặc thậm chí có số trở về Việt Nam một thời gian rồi quay lại Nga.
Suốt một thời gian dài mấy thập niên, lớp người Việt tại Nga đã tạo nên một thị trường thương mại sôi nổi. Khởi điểm có thể nói là xuất phát từ Đôm 5 cũ – khu kí túc xá của nghiên cứu sinh Việt Nam tại Nga, sau đó lan ra khắp Liên Xô. Họ bán buôn đủ thứ hàng họ. Nguồn hàng ban đầu là từ Việt Nam, Thái Lan sang, sau này nguồn hàng chủ yếu là từ các nước Ba Lan, Đức, Hungari, Bungari, Tiệp, Thổ Nhĩ Kì…
Các “chợ Mát” thời đó chủ yếu là hoạt động trong các ốp (kí túc xá), rồi lan ra đường phố, chợ trời… Dạo đó tồn tại một câu nói đùa: “Ở đâu có 3 người Việt Nam với cái mẹt hàng là thành chợ!”. Bởi nền thương mại của Liên Xô và các nước XHCN khi đó chủ yếu là nằm trong các cửa hàng mậu dịch quốc doanh của nhà nước.
Những năm 90 là thời kì của các chợ như Đôm 5 mới; Búa liềm; ốp Zin; Nara; Naghin; Thủy Lợi; Saliút 1,2,3,5; Sông Hồng; chợ Vòm; Vôicôp; Togi; Asean, Emeral…và bây giờ là Sadovo (chợ Chim); TTTM Mátxcơva (chợ Liu)…
Nói như vậy để hiểu lượng người làm ăn buôn bán tại Nga phong phú và đông đảo đa dạng như thế nào. Thành phần tham gia thì có đến hàng trăm ngàn người. Nhiều người Việt Nam đã giàu có lên từ một nước Nga ở thời điểm ấy và ngay cả ở thời điểm hiện nay.
Nhiều người có nguồn thu nhập giúp đỡ người thân ở quê nhà và tạo nên cơ sở làm ăn sinh sống lâu dài tại Nga. Nhưng cũng có nhiều người thất bại, trắng tay do nhiều lí do, như khủng hoảng kinh tế năm 1998.
Đến một thoáng tâm linh với quê hương…
Người Việt vốn yêu chuộng hòa bình và cũng rất tôn trọng những phong tục tập quán. Trong gia thất, dù chỉ là căn phòng ở trọ có vài mét vuông thuê của người bản xứ thôi cũng có bàn thờ gia tiên để thắp những nén hương dịp giỗ, tết, lễ…
Người Việt tại Nga chủ yếu theo đạo Phật. Chúng tôi cũng đã nhiều lần nói chuyện với các phật tử và họ rất muốn có một nơi thuận tiện để sinh hoạt chung. Nhưng quả thật, đó là một điều nan giải. Tiền của có thể có, do sự đóng góp. Nhưng còn địa điểm? Điều này thì phải phụ thuộc vào các cấp của chính quyền từ hai phía.
Từ việc chấp thuận về mặt pháp lí đến tạo điều kiện có mảnh đất làm nhà chùa, có thể ở ngoại ô Mátxcơva, là cả một vấn đề.
Trong khi đó, ở Kharcop, Ukraine, cộng đồng người Việt đã xây được một ngôi chùa cho các tăng ni phật tử có nơi thiền nguyện. Đây quả là một sự động viên khích lệ rất giàu tính nhân văn mà cũng rất đậm tình hữu nghị.
Được biết, tại TTTM Hà Nội của Tập đoàn Incentra khi hoàn thiện sẽ có một Phật đường dành cho các tăng ni phật tử với diện tích khoảng 150 m2 với sức chứa vào khoảng 200 người. Như vậy, dẫu sao cũng là niềm an ủi động viên rất lớn cho các tăng ni phật tử nơi xứ người.
Mong muốn chung của tất cả các tăng ni phật tử là có được hẳn một ngôi chùa hẳn hoi, dù có thể khiêm tốn thôi.
Võ Hoài Nam
Từ Mátxcơva
Cùng Danh Mục :
Phong tục lễ Vu Lan rằm tháng 7 ở 4 quốc gia châu Á
Xúc động lễ nghi lễ “Bông hồng cài áo” mùa báo hiếu Vu Lan rằm tháng 7
365 ngày lễ Vu Lan sâu tận trong tâm mỗi người
Leave a Reply